Một cuốn sách rất hay nói về tầm quan trọng của những thói quen tưởng chừng rất nhỏ bé trong cuộc sống nhưng về lâu về dài lại làm thay đổi chính cuộc sống của bạn.

Liệu một thay đổi nhỏ bé có thể thay đổi cuộc đời bạn? Có khả năng bạn sẽ trả lời là không!
Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu bạn thực hiện nó lần nữa, thêm một lần nữa, và một lần nữa? Đến một thời điểm bạn sẽ nhận ra sự thay đổi lớn trong cuộc đời bạn chỉ dựa vào một thay đổi nhỏ bé.
“Nếu bạn không nhận thức được về những điều vô thức xung quanh bạn thì chúng sẽ điều khiển cuộc sống của bạn và bạn gọi nó là định mệnh”
Carl Jung
1. Mục tiêu và hệ thống
Sau vài trang sách tác giả đã khiến mình phải wow, chống tay lên cằm và nghĩ về “mục tiêu” và “hệ thống”.
Mục tiêu giúp chúng ta định hướng nhưng hệ thống giúp chúng ta vạch ra tiến trình thực hiện. Sẽ có nhiều đề phát sinh khi bạn suy nghĩ quá nhiều đến mục tiêu, không còn đủ thời gian cho việc thiết kế hệ thống. Để làm rõ thêm về “mục tiêu” và “hệ thống” thì bạn hãy xem ví dụ sau đây:
Hãy tưởng tượng bạn có một căn phòng bừa bộn và bạn đề ra mục tiêu là dọn dẹp nó. Sau khi bắt tay vào việc thì bạn đã có một căn phòng gọn gàng, sạch sẽ. Thế nhưng nếu bạn vẫn cứ tiếp tục với những thói quen không gọn gàng, luộm thuộm trước đó thì sớm thôi, căn phòng sẽ lại trở thành một mớ hỗn độn và bạn lại phải cực nhọc dọn dẹp nó lần nữa, lần nữa và cứ như vậy lặp đi lặp lại. Thực chất là bạn đang chỉ theo đuổi cùng một kết quả thôi, bởi vì bạn chưa bao giờ thay đổi hệ thống phía sau nó.Chúng ta nghĩ chúng ta cần thay đổi kết quả đạt được, nhưng kết quả lại không phải là vấn đề.Thứ mà chúng ta thực sự cần thay đổi đó chính là hệ thống những thứ mà tạo ra những kết quả đó.Khi bạn giải quyết vấn đề ở tầm kết quả, bạn chỉ giải quyết vấn đề tạm thời mà thôi. Để cải thiện tốt hơn, bạn cần giải quyết vấn đề ở tầm hệ thống. Sửa đổi những yếu tốt đầu vào và đầu ra sẽ thay đổi!

2. Những thói quen tốt
Một điều không thể phủ nhận đó là:
–Giá trị tài sản ròng chính là thước đo cho những thói quen tài chính của bạn.
–Cân nặng chính là thước đo cho những thói quen ăn uống của bạn.
–Kiến thức chính là thước đo cho những thói quen học tập của bạn hay
–sự lộn xộn hay ngăn lắp chính là thước đo cho những thói quen gọn gàng của bạn.
Một thay đổi nhỏ từ hững thói quen trong cuộc sống của bạn có thể dẫn đến một đích đến hoàn toàn khác biệt. Lựa chọn 1% tốt hơn hay tệ đi dường như không khác biệt ở thời điểm đó, nhưng về lâu về dài thì sự khác biệt đó sẽ quyết định bạn là ai, và bạn có thể làm được những gì.
Về cơ bản thì những thói quen tốt chúng ta nên duy trì, tạo điều kiện làm sao mà chúng ta dễ dàng thực hiện nó nhất để vượt qua được sức ỳ, lười biếng ban đầu. Sau một thời gian khi nó đã trở thành một phần tự nhiên của bạn rồi thì mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.
Hãy nhớ: Chìa khóa là sự lặp đi lặp lại, không phải là sự hoàn hảo. Thời lượng bạn dành để thực hiện thói quen không quan trọng bằng số lần bạn thực hiện việc đó.
Bởi vậy tác giả cũng đề cập trong cuốn sách về “Quy luật hai phút”.
Hành vi của con người tuân theo quy luật nỗ lực tối thiểu. Một cách rất tự nhiên chúng ta sẽ bị thu hút bởi những lựa chọn ít cần hành động nhất. Vậy nên hãy tạo ra một môi trừng nơi những điều đúng đắn càng dễ thực hiện càng tốt và ngược lại.
Đó là khi bắt đầu một thói quen mới, hãy đảm bảo nó dễ dàng bắt đầu và duy trì, cụ thể là hãy thực hiện việc đó trong vòng ít hơn hai phút. Ví dụ cụ thể như: Đọc một trang sách, chống đẩy vài cái, ngồi thiền một chút…chẳng hạn.
Có thể mọi người cho rằng thật lố bịch, 2 phút đó chẳng làm được gì, không bõ. Nhưng điểm chính ở đây không chỉ là kết quả từ, lợi ích từ việc đọc một trang sách hay vài cái chống đẩy. Đó chính là việc quen và hình thành một thói quen.
Vậy nên thay vì cố gắng lên kế hoạch hoàn hảo cho một thói quen (ví dụ như đọc sách 30 phút trước khi ngủ) thì hãy khởi đầu nhỏ, nhẹ nhàng và làm một cách nhất quán.
3. Những thói quen xấu
Ngược lại với những thói quen tốt, chúng ta nên làm cho những thói quen xấu trở nên kém hấp dẫn, hay khó thực hiện hơn. Ví dụ như bạn mà nghiện mạng xã hội quá, suốt ngày lướt điện thoại thì có một cách đó là bạn hãy xóa hết các ứng dụng đó, hay chí ít đăng xuất ra. Để mỗi lần sử dụng bạn lại phải đăng nhập lại, hay tải lại chẳng hạn. Tin tôi đi, nó sẽ khiến thời gian sự dụng mạng xã hội của bạn giảm đi rõ rệt đó. Hay đơn giản là rút phích cắm điện TV ra, nếu bạn có thói quen cứ về là nằm vào Sofa và xem TV trong vô thức.
Có một cách nữa tác giả cũng đề cập tới đó là kết hợp giữa một thói quen không tốt với một lợi ích nhất định nào đó. Ví dụ như bạn muốn giảm cân, vận động nhiều hơn nhưng bạn lại bị nghiền Netflix nặng. Có một cách đó là vừa chạy trên máy chạy vừa xem.

4. Habit tracker (bảng theo dõi thói quen)
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người theo dõi quá trình, tiến trình đạt tới mục tiêu của mình như giảm cân, bỏ thuốc… dễ tiến bộ hơn là những người không
Vậy nên tốt nhất hay tạo cho bản thân mình một danh sách những thói quen tốt và hãy thường xuyên nhìn vào đó để theo dõi tiến trình của bạn.
Trong danh sách đó có thể có như: Đi bộ 15p quanh nhà, đọc 5 trang sách, học 5 từ Tiếng Anh mỗi ngày, thiền 5p… chẳng hạn. Hãy nhớ rằng khởi đầu nhỏ và duy trì nó sẽ tốt hơn rất nhiều so với việc “try hard” xong bỏ.
Một khi bạn đã tạo cho mình một cái danh sách để theo dõi thói quen kia của bạn rồi thì hãy đảm bảo bạn luôn dõi theo và thực hiện nó. Trên thực tế thì cho dù bạn quyết tậm duy trì thói quen như thế nào thì có một điều không thể tránh khỏi đó là đôi khi cuộc sống cản trở bạn với những sự việc không lường trước. Hãy nhớ một quy tắc đơn giản: Không bao giờ bỏ lỡ hai lần! Bởi bỏ lỡ một lần là vô tình, hai lần sẽ chính là khởi đầu cho một thói quen mới.

5. Phần thưởng tức thời hay lợi ích dài hạn?
Bộ não con người tiến hóa theo hướng ưu tiên những phần thưởng tức thời hơn là những phần thưởng đến sau. Ví dụ như bạn biết hút thuốc là không tốt nhưng vẫn hút vì nó đem lại sự thỏa mãn tức thời, bạn biết là bạn cần phải tiết kiệm tiền nhưng vẫn cứ mua những món đồ thực sự không cần thiết, hay đi ăn ngoài, vì nó đem lại cảm giác thỏa mãn tức thời cho bạn, cái cảm giác “tự thưởng cho bản thân một chút”. Điều đó không sai, chỉ là nó đi ngược lại với cái mục tiêu dài hạn của bạn.
Có một cách rất hay giúp bạn cân nhắc lại giữa hai cái lợi ích trên đó là hãy lập ra cho mình một cái quỹ, ví dụ như là “một kì nghỉ cuối tuần ở bờ biển” chẳng hạn. Xong rồi mỗi khi bạn định đi ăn ngoài chẳng hạn, rồi bạn cân nhắc lại, không đi ăn nữa, hãy bỏ một số tiền tương đương vào trong cái quỹ kia. Như vậy bạn sẽ không có cái cảm giác bị “tước đoạt” đi cái mà bạn đáng có (tự thưởng bản thân một bữa ăn steak ngoài tiệm chẳng hạn), mà thay vào đó là cảm giác đang tiến gần hơn với phần thưởng là một kì nghỉ cuối tuần bên bờ biển.

6. Đam mê? Hãy yêu sự nhàm nhán!
Chúng ta thường nghĩ: “tất cả là nhờ đam mê”, hay “Bạn phải thực sự say mê nó cơ”
Điều đó, trên thực tế khiến chúng ta nhiều khi mệt mỏi, mất động lực bởi chúng ta nghĩ rằng những người thành công là những người có niềm đam mê vô tận. Nhưng thực ra những người thành công đó, họ cũng nhiều lúc cảm thấy thiếu động lực như những người khác thôi. Sự khác biệt chính là họ vẫn tiếp tục trên con đường của họ bất chấp cảm giác nhàm chán. Sự thành thục một lĩnh vực nào đó yêu cần phải rèn luyện. Nhưng khi bạn càng làm việc gì đó nhiều, càng mang tính lặp lại bạn càng thấy chán. Việc này đôi khi diễn ra rất nhanh chóng. Chúng ta thấy những thói quen chúng ta đang thực hiện kia thật chán bởi chúng không còn khiến chúng ta vui thích nữa. Đây chính là lúc quyết định giữa người thành công và kẻ thật bại. Nếu bạn chỉ làm khi thấy nó thú vị hay thuận tiện thì bạn sẽ không bao giờ đủ kiện định để đạt được điều gì đáng kể. Đến một thời điểm nào đó, thành công sẽ tới với những người có thể vượt qua được sự tẻ nhạt của việc tập luyện hàng ngày, luyện tập không ngừng nghỉ.
HÃY YÊU SỰ NHÀM CHÁN!

Vậy là mình đã xong phần review nhanh về cuốn sách rất hay này. Các bạn có thể tìm đọc online cũng như mua sách giấy phiên bản Tiếng Anh hoặc tiếng Việt để ủng hộ tác giả và nhà xuất bản.
Cái bản habit tracker như hình trên thì các bạn có thể tải về tại đây. Chúc các bạn đọc sách và áp dụng những thói quen mới vui vẻ 🙂
0 Comments